image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường. Trên cơ sở được giao đầu mối thực hiện Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã đưa ra Dự thảo đầu tiên của Đề án.

5 mục tiêu đến năm 2030

Trong giai đoạn 2025 – 2030, Đề án có 5 mục tiêu cụ thể, bao gồm: Thúc đẩy xây dựng cơ chế phối hợp hành động liên ngành trong quản lý, giám sát phòng, chống kháng thuốc; Nâng cao kiến thức, năng lực thực hiện giám sát về kháng thuốc trong môi trường cho đội ngũ cán bộ chuyên môn và mạng lưới quan trắc môi trường; Bước đầu lựa chọn một số vi khuẩn kháng thuốc để thực hiện giám sát tình trạng kháng thuốc trong môi trường; Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về giám sát tình trạng kháng thuốc trong môi trường; Khuyến khích nghiên cứu, hợp tác và phát triển, huy động các nguồn lực hỗ trợ giám sát kháng thuốc trong môi trường.

Anh-tin-bai

Các mục tiêu cụ thể trong dự thảo Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường

Định hướng sau 2030, trọng tâm là các hoạt động, nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát Quốc gia về kháng thuốc trong lĩnh vực môi trường, đảm bảo đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ giám sát trong nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách thực thi pháp luật liên quan đến giám sát kháng thuốc trong lĩnh vực môi trường, bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật.

Dự thảo Đề án cũng bao gồm danh mục 14 nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên thực hiện và phân công cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Anh-tin-bai

Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng môi trường (Cục Kiểm soát ô nhiễm) phát biểu tại cuộc họp kỹ thuật góp ý lần đầu cho Dự thảo đề án

Phát biểu tại cuộc họp góp ý lần đầu cho Dự thảo Đề án ngày 4/12, bà Nguyễn Hoàng Ánh, Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng môi trường (Cục Kiểm soát ô nhiễm) cho biết: Đề án sẽ giúp tăng cường năng lực thực thi các hoạt động giám sát kháng thuốc trong môi trường. Bên cạnh đó, thực hiện các nghiên cứu, tuyên truyền, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của vi khuẩn kháng thuốc và dư lượng kháng sinh tồn dư tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc xây dựng cơ chế phối hợp chung, liên ngành về giám sát kháng thuốc cũng sẽ góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế, xã hội.

Bản dự thảo bản đầu tiên do Nhóm tư vấn và Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thực hiện, với sự hỗ trợ của Quỹ Fleming và Tổ chức FHI 360. Các chuyên gia Việt Nam và quốc tế góp ý, hoàn thiện hoàn thiện Dự thảo trong thời gian tới nhằm phù hợp với các định hướng phòng chống kháng thuốc của Việt Nam.

Tăng cường phối hợp liên ngành

 “Phòng chống kháng thuốc” trong ngành Tài nguyên và Môi trường có 3 lĩnh vực chủ chốt, bao gồm: Quản lý các nguồn thải có nguy cơ phát sinh thuốc chữa bệnh; quản lý các thành phần môi trường, nơi tiếp nhận các nguồn thải và có thể hình thành vi khuẩn kháng thuốc; quản lý các quần thể, hệ sinh thái động thực vật (đặc biệt là động thực vật tự nhiên) có tác động, ảnh hưởng do vi khuẩn kháng thuốc hoặc mang vi khuẩn kháng thuốc phát tán trong môi trường), trong bối cảnh của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

 Trong chiều dài cùng sự phát triển của đất nước, hơn 30 năm qua, ngành TN&MT đã làm khá tốt vai trò của mình về quản lý các nguồn ô nhiễm, các tác nhân ô nhiễm, và các thành phần môi trường. Bên cạnh đó là những nỗ lực lớn về quản lý đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn các giống loại động vật hoang dã cùng với Bộ NN&PTNT.

Anh-tin-bai

Ông Dieter Bulach, chuyên gia đến từ Đại học Melbourne, đại diện AMROH SEA, Quỹ Fleming chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng kế hoạch hành động phòng chống kháng thuốc và chương trình giám sát quốc gia

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mối liên hệ giữa các ngành chưa thật sâu và chặt chẽ, còn nhiều khoảng trống và một số chồng chéo trong phương thức quản lý. Ví dụ, trong bộ thông số về chất lượng môi trường hay quản lý nước thải y tế, có các thông số vi khuẩn gây bệnh (Tổng coliforms; Salmonella; Shigella; Vibrio cholerae) nhưng chưa nhận định và bổ sung hoặc xây dựng mối liên kết với thông tin về vi khuẩn kháng thuốc (ví dụ về sự tồn tại của một số chủng  E.coli kháng thuốc). Điều này đặt ra thách thức lớn, trong bối cảnh việc tổng hợp thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung liên ngành và trong mạng lưới mới đang là ý tưởng bước đầu.

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn. Nhận thức về mối nguy hiểm của kháng thuốc đối với sức khỏe cộng đồng, người dân và tác động tới môi trường còn thiếu, hạn chế; các cấp lãnh đạo cũng đang tiếp cận dần và chưa quyết liệt trong giải quyết vấn nạn này.  Năng lực thực hiện các chương trình giám sát, kỹ thuật phân tích, phân lập, định danh các vi khuẩn kháng thuốc trong môi trường nói chung mới đang ở bước đầu. Các nguồn lực, ngân sách được phân bổ cho các nghiên cứu, giám sát kháng sinh còn thiếu, chủ yếu là nhận được sự hỗ trợ từ nguồn lực quốc tế. Nguồn nhân lực chuyên sâu, chuyên trách còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm tại các cơ quan.

Tại cuộc họp góp ý lần đầu, các ý kiến nhấn mạnh việc thiết lập một mạng lưới cùng thực hiện và chia sẻ thông tin liên ngành môi trường – y tế - nông nghiệp trong giai đoạn tới rất cần thiết. Nhóm tư vấn cần thực hiện những đánh giá bước đầu, tìm kiếm thêm các nguồn lực và giải pháp, nâng cao năng lực trong công tác quản lý các nguồn thải và đánh giá các thành phần môi trường có sự hiện diện của dư lượng của kháng sinh, vi khuẩn kháng thuốc; thực hiện các chương trình đánh giá tổng quan về hiện trạng, các hoạt động giám sát kháng thuốc; các chương trình truyền thông, tuyên truyền trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

Anh-tin-bai

Các đại biểu góp ý tại hội thảo tham vấn

Dự kiến trong tháng 12/2024, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ ban hành Kế hoạch thí điểm giám sát vi sinh vật kháng thuốc trong môi trường và triển khai từ tháng 1 – 9/2025. Giới thiệu dự thảo Hướng dẫn triển khai thí điểm giám sát trong môi trường, ông Nguyễn Quốc Cường - Trưởng Nhóm kỹ thuât, Dự án Fleming, FHI 360 cho biết: Hoạt động thí điểm nằm trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Quốc gia Fleming Giai đoạn II. Đây là cơ sở để hoàn thiện quy trình lấy mẫu tại thực địa, quy trình xử lý và xét nghiệm vi khuẩn kháng thuốc mẫu môi trường. Việc thí điểm cũng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ phòng xét nghiệm vi sinh môi trường trong xét nghiệm vi khuẩn kháng thuốc, và tăng cường hợp tác với phòng xét nghiệm các lĩnh vực thú y, y tế. Bước đầu đánh giá mức độ kháng kháng sinh của E. coli trong một số mẫu môi trường.

Nguồn: https://monre.gov.vn/Pages

Lê Thị Cẩm Hồng
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH TÂY NINH 
 
Chịu trách nhiệm chính: Ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tỉnh Tây Ninh 
Địa chỉ: Khối nhà Cơ quan 3 – Khu Trung tâm Chính trị Hành chính tỉnh Tây Ninh, số 04 Đường Song Hành, phường Long An, tỉnh Tây Ninh..
Điện thoại:
(0272) 3826 260 * Fax: (0272) 3823 264 * Email: snnmt@longan.gov.vn
image banner