image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Quyết định Về việc phê duyệt kết quả thực hiện dự án Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh Long An
 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kết quả thực hiện dự án Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh Long An, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất tỉnh Long An

1.1. Tổng hợp kết quả xác định số lượng điểm (mẫu) bị ô nhiễm, cận ô nhiễm

Kết quả phân tích của 812 mẫu đất và 372 mẫu nước đã lấy và kế thừa ở các khu vực ảnh hưởng của 9 nguồn gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh cho thấy:

- Số mẫu đất bị ô nhiễm là 31/812 mẫu, chiếm 3,82% tổng số mẫu đánh giá; phân bố ở các huyện: Bến Lức 3 mẫu, Cần Đước 7 mẫu, Cần Giuộc 4 mẫu, Châu Thành 3 mẫu, Đức Hòa 2 mẫu, Mộc Hóa 2 mẫu, Tân Thạnh 1 mẫu, Tân Trụ 6 mẫu, Thạnh Hóa 2 mẫu, thị xã Kiến Tường 1 mẫu. Trong đó ô nhiễm Cd chiếm tỷ lệ nhiều nhất (21 mẫu), As (6 mẫu),...

- Số mẫu đất bị cận ô nhiễm là 81/812 mẫu, chiếm 9,98% tổng số mẫu đánh giá, phân bố ở các huyện: Bến Lức 6 mẫu, Cần Đước 23 mẫu, Cần Giuộc 6 mẫu, Châu Thành 11 mẫu, Đức Hòa 8 mẫu, Đức Huệ 1 mẫu, Mộc Hóa 2 mẫu, Tân Hưng 9 mẫu, Tân Thạnh 2 mẫu, Tân Trụ 4 mẫu, Thạnh Hóa 1 mẫu, Thủ Thừa 1 mẫu, Vĩnh Hưng 1 mẫu, thành phố Tân An 2 mẫu, thị xã Kiến Tường 4 mẫu. Trong đó cận ô nhiễm As chiếm nhiều nhất (48 mẫu), Cd (31 mẫu),…

- Số mẫu nước bị ô nhiễm là 111/372 mẫu, chiếm 29,84% tổng số mẫu đánh giá, phân bố ở các huyện: Bến Lức 1 mẫu, Cần Đước 18 mẫu, Cần Giuộc 15 mẫu, Châu Thành 6 mẫu, Đức Hòa 11 mẫu, Đức Huệ 4 mẫu, Mộc Hóa 5 mẫu, Tân Hưng 12 mẫu, Tân Thạnh 12 mẫu, Tân Trụ 9 mẫu, Thạnh Hóa 2 mẫu, Thủ Thừa 4 mẫu, Vĩnh Hưng 5 mẫu, thành phố Tân An 2 mẫu, thị xã Kiến Tường 5 mẫu. Trong đó ô nhiễm các chất hữu cơ chiếm tỷ lệ cao: BOD5 (90 mẫu), COD (89 mẫu), NH4+ (64 mẫu),…

- Số mẫu nước bị cận ô nhiễm là 76/372 mẫu, chiếm 20,43% tổng số mẫu đánh giá, phân bố ở các huyện: Bến Lức 21 mẫu, Cần Đước 11 mẫu, Cần Giuộc 7 mẫu, Châu Thành 3 mẫu, Đức Hòa 8 mẫu, Đức Huệ 1 mẫu, Tân Hưng 1 mẫu, Tân Thạnh 5 mẫu, Tân Trụ 2 mẫu, Thạnh Hóa 5 mẫu, Thủ Thừa 3 mẫu, Vĩnh Hưng 4 mẫu, thành phố Tân An 4 mẫu, thị xã Kiến Tường 1 mẫu. Trong đó chủ yếu cận ô nhiễm các chất hữu cơ: COD (5 mẫu), NH4+ (4 mẫu), BOD5 (3 mẫu),…

(Chi tiết tại phụ lục số 01: Số lượng mẫu đất, nước bị ô nhiễm, cận ô nhiễm theo đơn vị hành chính tỉnh Long An)

1.2. Tổng hợp đánh giá đất theo nguồn gây ô nhiễm

- Nguồn ô nhiễm là Khu công nghiệp: Khu vực cận KCN Đức Hòa 1; Chỉnh trang Đức Hòa Hạ; KCN Lê Long bị ô nhiễm Pb; khu vực cận KCN Tân Đức, Hải Sơn bị ô nhiễm Zn, Cd, cận ô nhiễm Zn, Cd, cận ô nhiễm As, Cr, Pb, Cu. Khu vực cận KCN Xuyên Á - Đức Hòa cận ô nhiễm As; khu vực cận KCN Tân Kim bị cận ô nhiễm Cu; khu vực cận KCN Tân Kim mở rộng bị cận ô nhiễm Cu; khu vực cận KCN Nhựt Chánh bị cận ô nhiễm Cu; khu vực cận KCN Thịnh Phát bị cận ô nhiễm Cd, As; khu vực cận KCN Phú An Thạnh - Bến Lức cận ô nhiễm As; khu vực cận KCN Thuận Đạo - Bến Lức cận ô nhiễm As; khu vực cận KCN Thuận Đạo mở rộng bị cận ô nhiễm Cu, khu vực cận KCN Cầu Tràm - Cần Đước bị cận ô nhiễm Cd, Cr. Diện tích đất bị ô nhiễm là 42,29 ha, cận ô nhiễm là 352,64 ha. 

- Nguồn ô nhiễm là cụm công nghiệp: Khu vực cận CNN Liên Minh, Liên Hưng, Đức Hòa bị ô nhiễm Pb, Zn; khu vực cận CCN Hoàng Gia bị ô nhiễm Cu, Pb, Zn, Cd, cận ô nhiễm Cd; Khu vực cận CCN Anova Group bị ô nhiễm Cu, cận ô nhiễm As; Khu vực cận CCN Thiên Lộc Thành bị ô nhiễm Cu, cận ô nhiễm As. Khu vực cận CCN Đức Hòa Đông, Đức Mỹ, Hải Sơn bị cận ô nhiễm Cu; khu vực cận Công ty TNHH TM&SX nệm Mouse Liên Á bị cận ô nhiễm As; khu vực cận Công ty TNHH Mai Phương bị cận ô nhiễm Cu; khu vực cận CCN Hiệp Thành bị cận ô nhiễm As; khu vực cận CCN Kiến Thành bị cận ô nhiễm Cu. Diện tích bị ô nhiễm là 40,01 ha, diện tích cận ô nhiễm là 201 ha. 

- Nguồn ô nhiễm là nghĩa trang, nghĩa địa: Khu vực cận nghĩa trang liệt sỹ (thị trấn Hậu Nghĩa) - Đức Hòa bị ô nhiễm và cận ô nhiễm; khu vực cận nghĩa trang xã Vĩnh Thạnh - Tân Hưng bị ô nhiễm và cận ô nhiễm; khu vực cận nghĩa trang xã Nhựt Tảo - Tân Trụ bị ô nhiễm; khu vực cận nghĩa trang xã Khánh Hưng - Vĩnh Hưng bị ô nhiễm; khu vực cận nghĩa trang xã Tân Thành - huyện Thủ Thừa bị ô nhiễm. Các khu vực bị cận ô nhiễm: Khu vực cận nghĩa trang Gò Đen - Bến Lức; khu vực cận nghĩa trang liệt sĩ xã An Thạnh; khu vực cận nghĩa trang Tân Lân - Cần Đước; khu vực cận nghĩa trang thị trấn Cần Giuộc; khu vực cận nghĩa trang liệt sĩ Tân Thạnh; khu vực cận nghĩa trang Vĩnh Hằng - Thạnh Hóa; khu vực cận nghĩa trang thị trấn Vĩnh Hưng; khu vực cận nghĩa địa Phường 2 thị xã Kiến Tường. Diện tích đất bị ô nhiễm là 67,28 ha, cận ô nhiễm là 133,3 ha. 

- Nguồn ô nhiễm là bãi rác, xử lý rác thải: Khu vực cận khu bãi rác Long Hòa - Bến Lức bị ô nhiễm Cu, Zn; khu vực cận bãi rác công ty Tâm Sinh Nghĩa bị ô nhiễm As. Các khu vực bị cận ô nhiễm: Khu vực cận bãi rác xã Hưng Thạnh - Tân Hưng bị cận ô nhiễm As; khu vực cận bãi rác xã Khánh Hưng - Vĩnh Hưng bị cận ô nhiễm; khu vực cân bãi rác Lợi Bình Nhơn - Tân An bị cận ô nhiễm; khu vực cận bãi rác Tân Thành - Thủ Thừa bị cận ô nhiễm. Diện tích đất bị cận ô nhiễm là 33,15 ha; diện tích bị ô nhiễm là 79,41 ha. 

- Nguồn ô nhiễm là các cơ sở y tế: Khu vực lân cận bệnh viện Xuyên Á bị ô nhiễm; khu vực lân cận bệnh viện đa khoa Mộc Hóa ô nhiễm Cd; khu vực lân cận Bệnh viện Đa khoa Khu vực Đồng Tháp Mười bị ô nhiễm. Các khu vực cận ô nhiễm: Khu vực lân cận bệnh viện Bến Lức; khu vực lân cận bệnh viện Cần Đước; khu vực lân cận bệnh viện Châu Thành; khu vực lân cận bệnh viện đa khoa Tân Trụ, khu vực lân cận trung tâm y tế Tân Thạnh; khu vực lân cận bệnh viện đa khoa Thạnh Hóa; khu vực lân cận bệnh viện đa khoa Thủ Thừa; khu vực lân cận bệnh viện đa khoa tỉnh Long An và bệnh viện tâm thần; khu vực lân cận bệnh viện Sản nhi; khu vực lân cận bệnh viện Phường 1 - thị xã Kiến Tường. Diện tích đất bị ô nhiễm là 30,12 ha, cận ô nhiễm là 134,71 ha.

- Nguồn ô nhiễm từ khai thác khoáng sản: Khu vực lân cận Công ty CP Thành Mỹ bị ô nhiễm; khu vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng xã Nhơn Hòa diện tích bị cận ô nhiễm. Diện tích ô nhiễm là 5,41 ha; diện tích bị cận ô nhiễm là 8,2 ha.

- Các khu vực thâm canh cao (TCC), sản xuất sử dụng nhiều phân bón và thuốc BVTV: Khu vực TCC thị trấn Bến Lức - Bến Lức bị ô nhiễm Zn; Khu TCC thị trấn Cần Giuộc - Cần Giuộc bị ô nhiễm và cận ô nhiễm Cd, cận ô nhiễm As; khu TCC Tân Lân - Cần Đước bị ô nhiễm và cận ô nhiễm Cd. Các khu vực bị cận ô nhiễm: Khu TCC Cần Đước, khu vực TCC Cần Giuộc, khu vực TCC Châu Thành, khu vực TCC Đức Huệ, khu vực TCC Tân Hưng, khu vực TCC Tân Thạnh, khu vực TCC Vĩnh Hưng, khu vực TCC thành phố Tân An. Diện tích đất bị ô nhiễm là 239,25 ha, cận ô nhiễm là 318,59 ha 

- Các khu vực nuôi trồng thủy sản: Các khu vực bị ô nhiễm kim loại nặng bao gồm khu vực Tân Hòa - Tân Thạnh, khu vực Tân Phước Tây - Tân Trụ, khu vực Tân Lập - Mộc Hóa bị ô nhiễm As, khu vực Tân Chánh - Cần Đước, khu vực Nhựt Ninh - Tân Trụ bị ô nhiễm Cd. Các khu vực cận ô nhiễm bao gồm: Long Thạnh -Thủ Thừa, Đông Thạnh, Tân Lập - Cần Giuộc; thị trấn Cần Đước, Tân Ân, Tân Chánh - Cần Đước; Nhựt Ninh, Tân Phước Tây - Tân Trụ; Thuận Mỹ, Thanh Vĩnh Đông - Châu Thành; Thạnh Hưng, Vĩnh Châu A - Tân Hưng.

Các khu vực nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm, cận ô nhiễm các chất hữu cơ: Khu vực NTTS Đức Hòa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ, Đức Huệ, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, thành phố Tân An.

Diện tích đất NTTS bị ô nhiễm là 600,72 ha (trong đó ô nhiễm KLN là 271,75 ha), diện tích cận ô nhiễm là 582,04 ha (trong đó cận ô nhiễm KLN là 489,07 ha). 

- Nguồn ô nhiễm khác: Khu vực đất bị ảnh hưởng từ Công ty Thép Tây Nam xã Long Sơn huyện Cần Đước bị ô nhiễm Cu và cận ô nhiễm As. Các khu vực cận ô nhiễm là khu vực cận Công Ty TNHH Formosa Taffeta Việt Nam (Nhựt Chánh); khu vực cận Công ty TNHH CJ VINA AGRI (Hàn Quốc); khu vực cận các khu vực sản xuất kinh doanh khác. Diện tích đất bị ô nhiễm là 15,47 ha, cận ô nhiễm là 57,54 ha. 

(Chi tiết tại phụ lục số 02: Diện tích các khu vực đất bị ô nhiễm, cận ô nhiễm của tỉnh Long An)

1.3. Tổng hợp kết quả đánh giá ô nhiễm đất theo đơn vị hành chính

Kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bản tỉnh Long An theo 15/15 đơn vị hành chính cấp huyện như sau:

- Huyện Bến Lức: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 275,1 ha, chiếm 1,7% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 37,36 ha, chiếm 0,23%, diện tích cận ô nhiễm là 237,74 ha, chiếm 1,47%.

- Huyện Cần Đước: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 637,2 ha, chiếm 3,94% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 226 ha, chiếm 1,4%, diện tích cận ô nhiễm là 411,2 ha, chiếm 2,54%.

- Huyện Cần Giuộc: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 306 ha, chiếm 1,89% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 177,8 ha, chiếm 1,1%, diện tích cận ô nhiễm là 128,2 ha, chiếm 0,79%.

- Huyện Châu Thành: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 229,6 ha, chiếm 1,42% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 81,2 ha, chiếm 0,5%, diện tích cận ô nhiễm là 148,4 ha, chiếm 0,92%.

- Huyện Đức Hòa: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 376,6 ha, chiếm 2,33% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 107,2 ha, chiếm 0,66%, diện tích cận ô nhiễm là 269,4 ha, chiếm 1,67%.

- Huyện Đức Huệ: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 67,7 ha, chiếm 0,42% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 15 ha, chiếm 0,09%, diện tích cận ô nhiễm là 52,7 ha, chiếm 0,33%.

- Huyện Mộc Hóa: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 35,5 ha, chiếm 0,22% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 35,5 ha, chiếm 0,22%, không có diện tích cận ô nhiễm.

- Huyện Tân Hưng: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 178,4 ha, chiếm 1,1% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 54,1 ha, chiếm 0,33%, diện tích cận ô nhiễm là 124,3 ha, chiếm 0,77%.

- Huyện Tân Thạnh: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 180,3 ha, chiếm 1,12% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 54,1 ha, chiếm 0,33%, diện tích cận ô nhiễm là 126,2 ha, chiếm 0,78%.

- Huyện Tân Trụ: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 181,9 ha, chiếm 1,12% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 111,8 ha, chiếm 0,69%, diện tích cận ô nhiễm là 70,1 ha, chiếm 0,43%.

- Huyện Thạnh Hóa: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 116,7 ha, chiếm 0,72% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 47,9 ha, chiếm 0,3%, diện tích cận ô nhiễm là 68,8 ha, chiếm 0,43%.

- Huyện Thủ Thừa: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 68,6 ha, chiếm 0,42% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 34,8 ha, chiếm 0,22%, diện tích cận ô nhiễm là 33,8 ha, chiếm 0,21%.

- Huyện Vĩnh Hưng: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 96,6 ha, chiếm 0,6% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 33,7 ha, chiếm 0,21%, diện tích cận ô nhiễm là 62,9 ha, chiếm 0,39%.

- Thành phố Tân An: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 90,4 ha, chiếm 0,56% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 13,9 ha, chiếm 0,09%, diện tích cận ô nhiễm là 76,5 ha, chiếm 0,47%.

- Thị xã Kiến Tường: Diện tích đất ô nhiễm, cận ô nhiễm là 100,7 ha, chiếm 0,62% diện tích điều tra lấy mẫu, trong đó, diện tích ô nhiễm 43,5 ha, chiếm 0,27%, diện tích cận ô nhiễm là 57,2 ha, chiếm 0,35%.

 (Chi tiết tại phụ lục số 03: Diện tích đất bị ô nhiễm, cận ô nhiễm theo đơn vị hành chính của tỉnh Long An)

2. Cảnh báo các khu vực ô nhiễm, nguy cơ ô nhiễm

- Đối với nguồn ô nhiễm là các khu công nghiệp: Cảnh báo ô nhiễm đối với các khu vực lân cận Khu vực KCN Đức Hòa 1, Chỉnh trang Đức Hòa Hạ, KCN Lê Long bị ô nhiễm 11,66 ha; Khu vực KCN Tân Đức, Hải Sơn, Tân Đô bị ô nhiễm 30,63 ha, cận ô nhiễm 108,53 ha.

Khu vực cảnh báo cận ô nhiễm có: Khu vực KCN Xuyên Á, diện tích cận ô nhiễm là 25,98 ha; khu vực KCN Tân Kim cảnh báo cận ô nhiễm, diện tích là 19,28 ha; khu vực KCN Tân Kim mở rộng cảnh báo cận ô nhiễm, diện tích là 13,94 ha; KCN Nhựt Chánh cảnh báo cận ô nhiễm, diện tích là 3,93 ha; khu vực KCN Thịnh Phát cảnh báo cận ô nhiễm là 39,42 ha; khu vực KCN Phú An Thạnh diện tích cận ô nhiễm là 35,89 ha, khu vực KCN Phúc Long, diện tích cận ô nhiễm là 20,49 ha; khu vực KCN Thuận Đạo, diện tích cận ô nhiễm là 20,12 ha, khu vực KCN Thuận Đạo mở rộng diện tích cận ô nhiễm là 26,2 ha, khu vực KCN Cầu Tràm, diện tích cận ô nhiễm là 38,84 ha.

- Đối với cụm công nghiệp: Cảnh báo nguy cơ ô nhiễm: khu vực CCN Liên Minh, Liên Hưng, Đức Hòa Hạ, diện tích 8,51 ha; khu vực CCN Hoàng Gia, diện tích ô nhiễm là 16,93 ha, diện tích cận ô nhiễm là 29,29 ha; khu vực CCN Anova Group, diện tích ô nhiễm 5,36 ha, diện tích cận ô nhiễm là 23,24 ha; khu vực CCN Thiên Lộc Thành, diện tích ô nhiễm 9,19 ha, diện tích cận ô nhiễm 24,79 ha.

Các khu vực cảnh báo cận ô nhiễm: Khu vực CCN Đức Hòa Đông, Đức Mỹ, Hải Sơn, diện tích 53,59 ha; khu vực CCN Hựu Thạnh - Liên Á, diện tích là 20,38 ha; khu vực Công ty TNHH Mai Phương, diện tích là 4,08 ha; khu vực CCN Hiệp Thành, diện tích 25,48 ha; khu vực CCN Hoàng Long, diện tích là 7,96 ha; khu vực CCN Kiến Thành, diện tích 12,17 ha.

- Đối với nguồn gây ô nhiễm là các cơ sở y tế: các khu vực cảnh báo ô nhiễm bao gồm khu vực Bệnh viện Xuyên Á, diện tích 4,07 ha, khu vực Bệnh viện đa khoa Mộc Hóa, diện tích 11,03 ha, khu vực Bệnh viện Đa khoa Khu vực Đồng Tháp Mười, diện tích ô nhiễm 15,02 ha, cận ô nhiễm là 11,35 ha.

Các khu vực cảnh báo cận ô nhiễm là  Bệnh viện huyện Bến Lức, diện tích 2,12 ha; Bệnh viện Cần Đước, diện tích 2,32 ha; Bệnh viện Châu Thành, diện tích 13,48 ha; Trung tâm y tế Tân Thạnh (cơ sở 2), diện tích 2,78 ha; Bệnh viện đa khoa Tân Trụ, diện tích 13,38 ha; Bệnh viện đa khoa Thạnh Hóa, diện tích 8,03 ha; Bệnh viện đa khoa Thủ Thừa, diện tích 11,06 ha; Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An và bệnh viện tâm thần, diện tích 36,43 ha; Bệnh viện Sản nhi, diện tích 11,24 ha; Bệnh viện (phường 1), diện tích 22,52 ha.

- Đối với nguồn gây ô nhiễm là bãi chứa rác thải, khu xử lý rác thải: Các khu vực cảnh báo ô nhiễm bao gồm: Khu vực Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa, diện tích 11,4 ha ô nhiễm và 8,61 ha cận ô nhiễm; khu vực bãi rác Long Hòa, diện tích ô nhiễm 21,75 ha, cận ô nhiễm 19,32 ha.

Các khu vực cảnh báo cận ô nhiễm: Bãi rác xã Hưng Thạnh, diện tích 31,47 ha; Bãi rác xã Khánh Hưng, diện tích 6,04 ha; Bãi rác Lợi Bình Nhơn (Bãi rác Tân An), diện tích 6,02 ha; Bãi rác xã Tân Thành, diện tích 7,95 ha.

- Đối với nguồn gây ô nhiễm là các nghĩa trang, nghĩa địa: Các khu vực cảnh báo ô nhiễm: Khu vực Nghĩa trang liệt sỹ (thị trấn Hậu Nghĩa), diện tích ô nhiễm 30,7 ha, cận ô nhiễm 18,95 ha; Nghĩa trang xã Vĩnh Thạnh, diện tích ô nhiễm 8,16 ha, cận ô nhiễm 13,84 ha; Nghĩa trang xã Nhựt Tảo, diện tích 7,59 ha; Nghĩa trang xã Khánh Hưng, diện tích ô nhiễm 8,9 ha, cận ô nhiễm 9,31 ha; Nghĩa trang xã Tân Thành, diện tích 12,55 ha.

Các khu vực cảnh báo cận ô nhiễm bao gồm: Khu vực Hoa viên nghĩa trang Gò đen, diện tích 8,87 ha; Nghĩa trang liệt sỹ xã An Thạnh, diện tích 7,75 ha; Nghĩa trang Tân Lân, diện tích 4,62 ha; Nghĩa trang liệt sĩ (thị trấn Cần Giuộc), diện tích 10,03 ha; Bia tưởng niệm (Thanh Vĩnh Đông), diện tích 11,08 ha; Nghĩa trang liệt sỹ Tân Thạnh - Thạnh Hóa, diện tích 5,7 ha; Nghĩa trang Vĩnh Hằng, diện tích 14,22 ha; Nghĩa trang (thị trấn Vĩnh Hưng), diện tích 13,54 ha; Nghĩa trang (phường 2), diện tích 15,39 ha.

- Nguồn gây ô nhiễm là các khu vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng: Khu vực cảnh báo ô nhiễm là khu vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng xã Mỹ Thạnh Bắc (Công ty CP Thành Mỹ), diện tích 5,41 ha.

Khu vực cảnh báo cận ô nhiễm là khu vực Khu vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng xã Nhơn Hòa - Tân Thạnh, diện tích là 8,2 ha.

- Nguồn gây ô nhiễm là các khu vực sản xuất thâm canh cao: Các khu vực cảnh báo ô nhiễm là khu vực đất trồng lúa, cây hàng năm huyện Bến Lức, diện tích 15,61 ha; khu vực đất trồng lúa, cây hàng năm huyện Cần Đước, diện tích cảnh báo ô nhiễm 64,65 ha, cận ô nhiễm là 54,13 ha; khu vực đất trồng lúa, cây hàng năm huyện Cần Giuộc cảnh báo ô nhiễm là 79,71 ha, cận ô nhiễm là 68,16 ha; khu vực đất trồng lúa, cây hàng năm huyện Châu Thành, diện tích ô nhiễm là 57,93 ha, cận ô nhiễm là 21,73 ha; khu vực đất trồng lúa huyện Thạnh Hóa, diện tích ô nhiễm là 21,34 ha, cận ô nhiễm là 37,9 ha.

Các khu vực cảnh bảo cận ô nhiễm là: Khu vực đất trồng lúa, cây hàng năm huyện Đức Huệ, diện tích 8,15 ha; khu vực đất trồng lúa, cây hàng năm huyện Tân Hưng, diện tích 49,13 ha; khu vực đất trồng lúa, cây hàng năm huyện Tân Thạnh, diện tích 22,66 ha; khu vực đất trồng lúa, cây hàng năm huyện Vĩnh Hưng, diện tích 33,96 ha; khu vực đất trồng lúa, cây hàng năm thành phố Tân An, diện tích 22,78 ha.

- Các khu vực nuôi trồng, chế biến thủy sản: Các khu vực cảnh báo ô nhiễm và cận ô nhiễm là: Khu vực Nuôi trồng thủy sản huyện Cần Đước, diện tích ô nhiễm 131,29 ha, cận ô nhiễm 209,66 ha; khu vực Nuôi trồng thủy sản huyện Cần Giuộc, diện tích ô nhiễm 98,09 ha, cận ô nhiễm 16,78 ha; khu vực Nuôi trồng thủy sản huyện Châu Thành, diện tích ô nhiễm 23,28 ha, cận ô nhiễm 102,10 ha; khu vực Nuôi trồng thủy sản huyện Đức Hòa, diện tích ô nhiễm 5,3 ha, cận ô nhiễm 12,66 ha; khu vực Nuôi trồng thủy sản huyện Đức Huệ, diện tích ô nhiễm 9,58 ha, cận ô nhiễm 44,6 ha; khu vực Nuôi trồng thủy sản huyện Mộc Hóa, diện tích ô nhiễm 24,51 ha; khu vực Nuôi trồng thủy sản huyện Tân Hưng, diện tích ô nhiễm 45,98 ha, cận ô nhiễm 29,82 ha; khu vực Nuôi trồng thủy sản huyện Tân Thạnh, diện tích ô nhiễm 54,07 ha, cận ô nhiễm 86,88 ha; khu vực Nuôi trồng thủy sản huyện Tân Trụ, diện tích ô nhiễm 104,17 ha, cận ô nhiễm 56,74 ha; khu vực Nuôi trồng thủy sản huyện Thạnh Hóa, diện tích ô nhiễm 15,14 ha; khu vực Nuôi trồng thủy sản huyện Thủ Thừa, diện tích ô nhiễm 22,23 ha, cận ô nhiễm 14,82 ha; khu vực Nuôi trồng thủy sản huyện Vĩnh Hưng, diện tích ô nhiễm 24,78 ha; khu vực Nuôi trồng thủy sản thành phố Tân An, diện tích ô nhiễm 13,86 ha; khu vực Nuôi trồng thủy sản thị xã Kiến Tường, diện tích ô nhiễm 28,43 ha, cận ô nhiễm 7,98 ha.

- Các nguồn ô nhiễm khác: Các khu vực cảnh báo ô nhiễm bao gồm khu vực Công ty Thép Tây Nam (Cảng Thiên Lộc Thành), diện tích ô nhiễm 15,47 ha, diện tích cận ô nhiễm 7,27 ha.

Các khu vực cảnh báo cận ô nhiễm:khu vực Công Ty TNHH Formosa Taffeta Việt Nam (Nhựt Chánh), diện tích 7,81 ha; khu vực Công ty TNHH CJ VINA AGRI (Hàn Quốc), diện tích là 8,54 ha; khu vực sản xuất kinh doanh khác, diện tích 33,92 ha.

3. Các giải pháp bảo vệ và sử dụng đất bền vững

3.1. Giải pháp về tuyên truyền và phổ biến pháp luật trong BVMT

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật BVMT cho cộng đồng và doanh nghiệp nhằm chung tay bảo vệ môi trường nói chung và môi trường đất nói riêng.

- Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cách bảo vệ tài nguyên đất trong sản xuất, kinh doanh đem lại giá trị kinh tế và BVMT; tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng, sản xuất không đúng cách, qua đó từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường đất.

3.2. Giải pháp về chính sách

- Bảo vệ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, đây là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước nói chung và đối với UBND tỉnh Long An nói riêng. Điều này đã được cụ thể hóa trong Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Tỉnh Long An đã triển khai tại các văn bản: Quyết định số 30/2016/QĐ-UBND ngày 16/06/2016 của UBND tỉnh; Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND ngày 20/01/2021 của UBND tỉnh. Các chính sách cơ bản đã được UBND tỉnh triển khai, trong thời gian tới tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm các chính sách này để mang lại hiệu quả tích cực, khuyến khích người sử dụng đất bảo vệ tốt hơn nữa và tổ chức khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa gắn với việc tuân thủ các quy trình sản xuất đảm bảo yêu cầu bảo vệ đất.

- Hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Sản xuất thâm canh, tăng vụ, giúp nông dân đưa các giống mới năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và biến đổi khí hậu vào sản xuất kết hợp với đầu tư bồi bổ, cải tạo đất. Ưu tiên quỹ đất cho phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến như vùng trọng điểm sản xuất lúa các huyện: Tân Hưng, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Đức Huệ, Mộc Hóa,…; vùng trồng khoai mỡ ở huyện Tân Thạnh, vùng sản xuất rau chuyên canh ở các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc,…; vùng trồng thanh long ở huyện Châu Thành; vùng trồng chanh ở Bến Lức, Đức Huệ;...

- Ban hành kế hoạch theo dõi, giám sát các khu vực đất bị ô nhiễm và có khả năng bị ô nhiễm (cận ô nhiễm); ban hành chương trình quan trắc môi trường trọng điểm 5 năm, có chú trọng quan trắc ô nhiễm đất theo quy định của Luật BVMT.

- Thực hiện quy hoạch và kế hoạch thu gom xử lý rác sử dụng công nghệ hiện đại. Đặc biệt tập trung xử lý các khu vực bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm theo kết quả điều tra bằng các công nghệ xử lý phù hợp, hiệu quả và kinh tế.

- Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích người nông dân bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp như thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân với mức hỗ trợ tùy thuộc vào việc giảm thiểu lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác.

- Xây dựng khung pháp lý đối với quản lý chất thải, trong đó có quản lý chất thải nông nghiệp. Quản lý chất thải cần đề cao các biện pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải và gắn chúng với các biện pháp hỗ trợ cần thiết về tài chính, kỹ thuật cũng như chế tài nghiêm minh xử lý vi phạm.

- Công tác quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản cần dựa trên cơ sở phân vùng sinh thái, phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước và xử lý chất thải đối với ngành nuôi trồng thủy sản công nghiệp, thâm canh nhằm đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh và các quy chuẩn môi trường quy định.

- Các cơ sở nuôi trồng thủy sản cần đầu tư và vận hành các hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi định kỳ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Xây dựng cơ chế, chính sách về nguồn kinh phí cho công tác điều tra, đánh giá đất đai, đặc biệt công tác điều tra, đánh giá thoái hóa đất; điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và quan trắc giám sát tài nguyên đất theo quy định.

3.3. Giải pháp về quản lý tài nguyên và môi trường

- Xây dựng, khoanh định vùng bảo vệ nghiêm ngặt đối với đất trồng lúa nước có năng suất cao, chủ động tưới tiêu đảm bảo an ninh lương thực.

- Bảo vệ tầng canh tác khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, đảm bảo các điều kiện phù hợp (không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa) để trồng lúa trở lại.

- Phát động phong trào trồng cây phân tán để nâng độ che phủ.

- Xây dựng các quy chế bảo vệ môi trường cho từng ngành nghề, từng khu chức năng và từng khu vực.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các yêu cầu về quy trình sản xuất, về công tác vệ sinh, môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở y tế và các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội.

- Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường trong các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư nông thôn; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường với Ban quản lý. Thông qua hệ thống quan trắc môi trường có thể đánh giá kịp thời, chính xác và kiểm soát được tình trạng chất lượng môi trường cũng như mức độ ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư nông thôn.

- Xây dựng cơ chế để hình thành doanh nghiệp dịch vụ môi trường phục vụ cho các hoạt động của các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư nông thôn.

- Kiên quyết di dời toàn bộ nhà máy, xí nghiệp sản xuất gây ô nhiễm ra xa khu dân cư.

- Xây dựng phương án khai thác, sử dụng đất hợp lý, bền vững và giảm thiểu tối đa thoái hóa đất, ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh.

- Các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ, kịp thời việc đầu tư công trình xử lý rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt tại các khu đô thị, khu dân cư nông thôn; quy hoạch hệ thống xử lý chất thải rắn qua hệ thống thu gom và xử lý tập trung.

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh xã hội hóa công tác này.

3.4. Giải pháp kỹ thuật

a. Đối với những khu vực ô nhiễm kim loại nặng (Cu, Pb, Zn, Cd, Cr, As)

- Qua khảo sát, phân tích đất, nước của một số vùng: Bãi rác Long Hòa (BL_D68, BL_D66), Công ty Thép Tây Nam (CD-D42), khu vực nuôi trồng thủy sản Tân Chánh - Cần Đước (LA8-3, LA8-13, LA8-18), LA11-1, LA11-3, LA11-5, LA11-7 khu nuôi trồng thủy sản Nhựt Ninh - Tân Trụ; LA18-1, LA18-5, LA18-15 khu thâm canh cao Thuận Mỹ - Châu Thành, LA20-2, LA20-4, LA20-11, LA20-25 khu vực thâm canh cao thị trấn Cần Giuộc - Cần Giuộc,.. có hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép (ô nhiễm kim loại nặng). Đối với các khu vực này cần thực hiện một số giải pháp như sau:

+ Cân bằng pH của đất đối với khu vực đất chua, đất chua (độ pH thấp) làm tăng tính di động của các kim loại trong đất, do đó bón vôi là 1 trong những biện pháp cân bằng pH đất, giảm tính linh động của các kim loại nặng từ đó giảm khả năng hấp thu của cây trồng đối với các kim loại này.

+ Đối với Cd: Chọn giống cây trồng và chất cải tạo đất Si hoặc các vật liệu giàu Si có thể giảm thiểu sự tích tụ Cd trong cây lúa. Sử dụng tro rơm, trấu là một trong những biện pháp rẻ tiền đem lại hiệu quả đồng thời cũng bổ sung thêm chất hữu cơ cho đất.

+ Sử dụng vi sinh vật: Dùng vi sinh vật để phân hủy các chất ô nhiễm bằng cách cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và không khí cho chúng. Trong môi trường tự nhiên, có nhiều loài sinh vật có khả năng hấp thụ các kim loại nặng như: Vi khuẩn citrobacter sp, tảo rhizobus arrhizus.

+ Sử dụng thực vật: Có những loài thực vật đặc biệt vì chúng có thể hấp thu hay tồn tại được với nồng độ kim loại rất cao. Dựa vào đặc tính đó, người ta phát triển một phương pháp mới để giải quyết ô nhiễm đất, gọi là: “Phetoremediation”, dùng thực vật để giải ô nhiễm, giảm hoạt tính sinh học của các kim loại, tiếp theo thảm thực vật sẽ được phục hồi và ổn định đất.

- Theo một số nghiên cứu về các phương pháp xử lý chì trong đất, một số loài thực vật có thể hấp thụ, lưu giữ chì trong thân cây, lá cây như cây đậu bắp, cây dọc mùng, hoa hướng dương, ngô, cải bẹ xanh,.... Phương pháp sử dụng thực vật để xử lý kim loại nặng trong đất được coi là phương pháp xử lý lâu dài và bền vững, chí phí xử lý thấp so với các phương pháp xử lý khác cũng như đem lại cảnh quan cho toàn khu vực. Có 3 nhóm thực vật hiện nay dùng cho xử lý kim loại nặng trong đất:

+ Nhóm thực vật thông thường: Nhóm thực vật này gồm những loài cây không có khả năng tích tụ KLN trong cơ thể chúng. Khi nồng độ KLN trong đất tăng cao, ở chúng xuất hiện những cơ chế không cho KLN xâm nhập vào rễ để đi vào cơ thể như thay đổi tính thấm màng tế bào, thay đổi khả năng liên kết kim loại của màng tế bào hay rỉ ra nhiều chất tạo phức với kim loại. Chỉ đến khi nồng độ KLN trong đất vượt ngưỡng chịu đựng của chúng thì nồng độ KLN trong cơ thể mới tăng lên.

+ Nhóm thực vật chỉ thị: Là những loài thực vật chủ động tích tụ kim loại bên trong cơ thể và nồng độ kim loại trong cơ thể chúng thường phản ánh nồng độ kim loại trong đất.

+ Nhóm thực vật tích tụ kim loại: Là những loài thực vật có khả năng tích tụ kim loại với nồng độ lớn hơn nhiều nồng độ của chúng trong đất.

b. Nhóm giải pháp đối với ô nhiễm NH4+, PO43-, BOD5, COD

Qua khảo sát, một số khu vực thủy sản bị ô nhiễm NH4+, PO43-, BOD5, COD như khu vực Hậu Thạnh Tây - Tân Thạnh (TThanh_N23, TThanh_N2, TThanh_N3), khu vực Long Hậu, Phước Lại, Phước Vĩnh Tây, Tân Tập - Cần Giuộc; khu vực Tân Ân, Tân Chánh, Phước Đông - Cần Đước; khu vực Thanh Vĩnh Đông, Thuận Mỹ, Thanh Phú Long - Châu Thành; Tân Phước Tây - Tân Trụ; Bình Hòa Nam - Đức Huệ; Tân Lập - Mộc Hóa; Hưng Điền, Hưng Điền B, Thạnh Hưng- Tân Hưng,…

- Sử dụng chế phẩm vi sinh định kỳ, hạn chế lớp bùn dưới đáy quá nhiều và kiểm soát dưỡng chất có trong kênh, rạch chứa nước: Thường xuyên sử dụng chế phẩm vi sinh để tăng cường vi sinh có lợi cho hệ sinh thái nước. Đối với kênh, rạch đã bị phú dưỡng cần áp dụng các biện pháp thích hợp như dùng bơm khuấy trộn nước để tăng sự tiếp xúc của vi sinh vật và tảo với các chất dinh dưỡng. Giúp cho quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh chóng. Sử dụng vi sinh Microbe-Lift cung cấp các vi sinh vật có lợi cho nước.

- Kiểm soát chặt chẽ lượng nước thải vào sông, kênh: Lượng nước thải công nghiệp hay nước thải sinh hoạt, chăn nuôi… khi thải ra kênh, sông cần phải qua quy trình xử lý khắt khe, đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì mới được xả thải và thải đúng nơi quy định.

- Sử dụng các loại phân hữu cơ: Các loại phân khi sử dụng nên chọn phân hữu cơ, dễ dàng tan và không gây ra hiện tượng mất cân bằng hệ sinh thái bên trong sông, kênh, rạch.

- Phủ xanh đất trống: Cụ thể là những vùng đất xung quanh khu vực sông, kênh, rạch chứa nước. Cách này giúp phòng ngừa tình trạng sạt lở, xói mòn đất. Đồng thời, trực tiếp ngăn chặn được nguồn dưỡng chất trôi vào sông, kênh, rạch.

- Khơi thông hệ thống mương, nâng cao công suất máy bơm, đảm bảo dòng chảy luôn thông suốt, hạn chế nước tù đọng ở hệ thống kênh mương.

- Đối với việc ô nhiễm NH4+: Xử lý sinh học - Nitrat hóa Amoni, hiện tại, đây là giải pháp xử lý amoni an toàn và được sử dụng rộng rãi. Các chủng vi sinh vật hiếu khí sẽ chuyển hóa Amoni sang Nitrit và cuối cùng là Nitrat. Các chủng có thể là vi sinh vật dị dưỡng như Bacillus sp hoặc tự dưỡng là Nitrosomonas, Nitrobacter.  Vi sinh dùng để tăng tốc quá trình Nitrat hóa Amoni có thể sử dụng loại vi sinh POND START dạng bột của hãng Proventus Bioscience Canada. Liều lượng sử dụng từ 5-10g/m3/lần.

- Đối với khu vực COD, BOD5 vượt quá hàm lượng cho phép: Đề xuất xử lý bằng sinh học, dùng vi sinh vật hiếu khí tự nhiên, trong quá trình oxy hóa các chất hữu cơ nhờ cơ chế hoạt động chủ yếu từ vi sinh vật hiếu khí. Nhờ ánh sáng mặt trời, lớp oxi khuếch tán dễ dàng qua tầng nước bề mặt tạo điều kiện thuận lợi để tảo, rong rêu tiến hành quá trình quang hợp cung cấp oxy cho vi sinh vật sinh trưởng.

Tải về:1722327562_7620_QĐ-UBND_30-07-2024_QĐ-PHE DUYET KET QUA DIEU TRA O NHIEM DAT (5331).signed.pdf
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH LONG AN 
 
Chịu trách nhiệm chính: Ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tỉnh Long An 
Địa chỉ: Khối nhà Cơ quan 3 – Khu Trung tâm Chính trị Hành chính tỉnh Long An, số 04 Đường Song Hành, Phường 6, Thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Điện thoại:
(0272) 3826 260 * Fax: (0272) 3823 264 * Email: snnmt@longan.gov.vn
image banner